“Văn hoá chợ nổi” Cái Răng – Nét đặc thù giao thương vùng sông nước Cửu Long

19/10/2020 00:13

Đến Cần Thơ mà không đi chợ nổi Cái Răng thì thật là sai lầm. Bới chợ nổi Cái Răng từ lâu đã là một điểm tham quan du lịch đặc sắc của vùng Đồng bằng sông nước Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng. Chợ nổi Cái Răng đã được Tạp chí du lịch Rough Guide của Anh bình chọn là một trong 10 chợ ấn tượng nhất thế giới.

Chúng tôi cùng nhiều du khách rất ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh tàu, ghe di chuyển nhiều lần va chạm nhau, nhưng không ai phiền hà; việc giao dịch trao đổi hàng hóa rất ít khi xảy ra cãi cọ, lại càng hiếm có chuyện xung đột, ẩu đả . Những nét đẹp ấy thể hiện tính tự quản của cộng đồng cư dân sông nước, góp phần làm cho chợ nổi Cái Răng tồn tại đến nay, hấp dẫn du khách gần xa. 

Chợ nổi Cái Răng nằm trên sông Cái Răng, gần cầu Cái Răng (quận Cái Răng), cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6 km đường bộ và mất 30 phút nếu đi bằng thuyền từ bến Ninh Kiều để xuôi thuyền trên sông đến chợ nổi. Chợ nổi Cái Răng nằm trên trục đường thủy sông Hậu-kênh xáng Xà No nên rất thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán với các địa phương lân cận và cả vùng sông nước Cửu Long. Đây là lí do khiến chợ nổi Cái Răng có quy mô lớn nhất, sầm uất nhất so với các chợ nổi trong vùng sông nước Cửu Long. 

Giao thương nhộn nhịp tại chợ nổi Cái Răng.


Chợ nổi Cái Răng họp khá sớm từ khoảng 4, 5 giờ sáng các ghe xuồng đã bắt đầu cập chợ và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn, cần đi sớm để có thể tới chợ lúc đông vui nhất. Hàng hoá ở chợ này đều bán buôn rất đa dạng, phong phú, đứng đầu là nhóm hàng nông sản: trái cây, rau củ quả, hoa kiểng; tiếp theo là nhóm hàng thủ công, gia dụng (lu hũ, khạp, chén, đĩa, nồi niêu, xoong, chảo…); thực phẩm (mắm, khô, nước mắm, bột ngọt, đường, sữa…). Ngoài ra, ở chợ còn có các xuồng nhỏ bán đồ ăn uống và một số hàng hóa phục vụ sinh hoạt hàng ngày của dân cư và du khách. 

Đồng nghiệp Huỳnh Minh Hải hiện đang công tác tại Cần Thơ cho biết, ở chợ nổi Cái Răng hình thành một hình thức chào hàng khá độc đáo. Người bán hàng thường sử dụng "cây bẹo.", là một cây sào dài được dựng trên ghe thuyền dùng để treo các loại hàng hóa cần bán. Người mua hàng có thể quan sát cây bẹo để biết ghe hàng nào bán thứ gì để tiếp cận và thương lượng mua bán rất dễ dàng, thuận tiện. Cây bẹo vừa có ý nghĩa chào hàng, vừa tạo cho khung cảnh chợ nổi thêm sinh động, đặc sắc.

PV Vanhien.vn khảo sát giá cả nông sản thực phẩm tại chợ An Bình ở trên bờ, gần với chợ nổi Cái Răng.  

Giữa bốn bề sông nước, với hàng trăm ghe thuyền san sát, hình ảnh cây bẹo đã trở thành nét văn hóa của vùng sông nước, đồng thời là một phương thức tiếp thị và quảng cáo hàng hóa hết sức thú vị. Du khách đến chợ nổi đã tỏ ra rất thích thú với hình ảnh cây bẹo chào hàng. Điểm đáng chú ý của chợ nổi Cái Răng là không "bán chịu" và ít nói thách; mọi giao dịch diễn ra nhanh chóng để kịp con nước hoặc trước lúc chợ tan, khi mặt trời lên cao. Hoạt động giao thương ở đây được thực hiện trên nền tảng chữ "tín", nghĩa là sự tin tưởng giữa người mua và người bán, không cần thương lượng phức tạp, không cần ký hợp đồng hoặc người làm chứng, nhưng rất ít xảy ra các vụ tranh chấp ở chợ nổi. Những đơn hàng trị giá hàng chục triệu đồng, khối lượng hàng hóa cả chục tấn cũng chỉ được giao dịch trực tiếp bằng miệng rất nhanh chóng. Mọi người đều thông hiểu các quy ước, thông lệ mua bán trên sông, đã tự thỏa thuận theo một công thức, trật tự giao thương cho mình, trở thành "văn hóa chợ nổi". 

Theo Ban quản lý, hiện có khoảng 250-300 ghe tàu mua bán sỉ hàng nông sản trên chợ nổi Cái Răng; khoảng 30 ghe nhỏ mua bán trái cây, ẩm thực địa phương. Hằng ngày, vào giờ cao điểm có trên 200 lượt tàu du lịch đưa đón khách du lịch tham quan. Qua đó tạo điểm nhấn, thu hút đầu tư các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch và các dịch vui chơi giải trí phát triển. Năm 2016, chợ nổi Cái Răng đã chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hầu hết du khách đến Cần Thơ đều tham gia tour tham quan chợ nổi trên sông độc đáo này. Tuy nhiên, du lịch chợ nổi Cái Răng chưa phát triển đúng tầm, cũng như đang đứng trước nguy cơ mai một…


Để chợ nổi Cái Răng là điểm đến ưa thích của du khách trong và ngoài nước, một trong những giải pháp được đa số các nhà quản lý, nhà nghiên cứu đề cập đến nhiều nhất trong Hội thảo "Làm gì để bảo tồn chợ nổi Cái Răng" do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 15/10/2020, tại Cần Thơ, là cần hài hòa lợi ích các bên: “Thương hồ - nhà nông - du khách - nhà nước” trong chiến lược bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch chợ nổi Cái Răng. Do đó, khi bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch chợ nổi, cần đặt lợi ích của thương hồ lên hàng đầu. Có thương hồ thì mới có chợ nổi. Từ góc nhìn này, gợi ý cho các nhà quản lý đề ra những giải pháp hỗ trợ thiết thực để thương hồ bám ghe, bám chợ…


Thành phố Cần Thơ đang nghiên cứu các mô hình tái hiện tiếng rao hàng, lối hò đối đáp trên sông, đờn ca tài tử trên ghe thương hồ. Việc tái hiện phải đúng với chất gốc chợ xưa, hòa trong bối cảnh chợ nổi ngày nay. Đồng thời, có thể thử nghiệm mô hình du lịch đường sông Cần Thơ, gắn với chợ nổi Cái Răng về đêm, như một cách làm kinh tế đêm trên sông nước… Đối với lợi ích của nhà nông, cụ thể là các nhà vườn cung cấp hàng nông sản để thương hồ buôn bán tại chợ nổi, thành phố đã chỉ đạo xây dựng các mô hình chợ đầu mối nông sản, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản, trái cây sạch cung cấp cho chợ nổi cung ứng cho du khách và toả đi muôn nơi.

Vũ Xuân Bân
Nguồn https://vanhien.vn/news/%E2%80%9Cvan-hoa-cho-noi%E2%80%9D-cai-rang-%E2%80%93-net-dac-thu-giao-thuong-vung-song-nuoc-80034

Bạn đang đọc bài viết "“Văn hoá chợ nổi” Cái Răng – Nét đặc thù giao thương vùng sông nước Cửu Long" tại chuyên mục Việt Nam - Đất nước - Con người.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN HOA LAN VIỆT NAM và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Trung tâm phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website https://vietnamhuongsac.vn/ theo Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục