Nhà văn Vũ Tú Nam qua đời

10/09/2020 08:43

Nhà văn Vũ Tú Nam, một trong những tên tuổi lớn của nền văn học Việt Nam, đã trút hơi thở cuối cùng vào 10 giờ 15 sáng 9-9 tại Hà Nội.

Nhà văn Vũ Tú Nam và vợ trong buổi ra mắt sách "Hồi ức tình yêu" năm 2017. Ảnh: FB họa sĩ Vũ Huy.

Nhà văn Vũ Tú Nam sinh năm năm 1929 trong một gia đình nho học tại thôn Lương Kiệt, xã Liên Minh huyện Vụ Bản, Nam Định. Hai anh trai của ông cũng là những tên tuổi trong làng văn thơ Việt Nam: nhà văn Vũ Ngọc Bình và nhà thơ Vũ Cao.

Năm 1947, ông gia nhập quân đội, và được phân công làm việc tại báo Chiến sĩ (Liên khu 4), sau đó chuyển về báo Quân đội Nhân dân năm 1950. Ông cũng là một trong những biên tập viên đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1957, cán bộ văn nghệ thuộc Cục Tuyên huấn Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Sau đó, năm 1958, ông chuyển sang công tác tại báo Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam (sau này trở thành báo Văn nghệ). Ông cũng từng đảm nhiệm vị trí Thư ký tòa soạn báo Văn học (nay là Văn nghệ), Phó Tổng Biên tập báo Văn nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới (nay là Nhà xuất bản Hội Nhà văn). 

Ông cũng được bầu là Đại biểu Quốc hội khóa 9.

Nhà văn Vũ Tú Nam là một trong số không nhiều tác giả viết cho cả đối tượng độc giả người lớn và trẻ nhỏ. Các tác phẩm đáng kể đến của ông là “Bên đường 12” (truyện vừa, 1950, Giải nhất văn xuôi Văn nghệ liên khu 4), “Quê hương” (tập truyện ngắn, 1950), “Nhân dân tiến lên” (truyện, 1951), “Sau trận núi Đanh” (truyện, 1951), “Ngày xuân” (tập truyện ngắn, 1953), “Giành lấy tương lai” (truyện, 1954), “Kể chuyện quê nhà” (tập truyện - ký, 1954), “Thử thách thầm lặng” (truyện, 1971), “Sống vời thời gian hai chiều” (tập truyện - ký, 1983), “Mùa xuân tiếng chim” (truyện ngắn, 1985), “20 truyện ngắn” (1994), “Mây hồng” (1998), “Có và không có” (tuyển thơ dịch, 2003), “Hồi ức tình yêu” (tuyển thư tình, cùng Thanh Hương, 2017).

Với các tác phẩm dành cho bạn đọc nhỏ tuổi, chắc chắn thế hệ 6x, 7x khó quên được truyện dài “Chèo bẻo đánh quạ” vô cùng hấp dẫn được đăng nhiều kỳ trên báo Thiếu niên Tiền phong thập niên 80. Ngoài ra, truyện “Văn Ngan tướng công” in năm 1963 của Vũ Tú Nam cũng là một trong những tác phẩm văn học thiếu nhi được đông đảo bạn đọc nhiều lứa tuổi yêu thích. Truyện đã được nhà văn Liên Xô Marian Tkachov dịch sang tiếng Nga và xuất bản ở Liên Xô. 

Nhà văn Vũ Tú Nam được vinh dự trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2011.

Vợ ông là nhà báo Thanh Hương, nguyên Tổng Biên tập báo Phụ nữ Việt Nam. Con trai cả của ông là họa sĩ Vũ Huy từng tham gia thiết kế nhiều phim như “Ngã ba Đồng Lộc”, “Ký ức Điện Biên”, “Đêm hội Long Trì”… Họa sĩ Vũ Huy cũng là thành viên hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam góp mặt trong bộ phim “Kong – The Skull Island” khi phim này thực hiện tại Việt Nam. Cháu nội nhà văn, con gái của họa sĩ Vũ Huy là siêu mẫu Vũ Nguyễn Hà Anh. 

Lễ viếng nhà văn diễn ra vào 7 giờ 30 ngày 12-9 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, an táng tại nghĩa trang quê nhà ở Vụ Bản, Nam Định.
 

 

TUYẾT LOAN
Nguồn https://nhandan.com.vn/dong-chay/nha-van-vu-tu-nam-qua-doi-616155/

Bạn đang đọc bài viết "Nhà văn Vũ Tú Nam qua đời" tại chuyên mục Văn hóa.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN HOA LAN VIỆT NAM và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Trung tâm phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website https://vietnamhuongsac.vn/ theo Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục