Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải với ngành Sinh vật cảnh

15/04/2020 23:00

Trong lịch sử gần 30 năm xây dựng và trưởng thành của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải là người đứng đầu Chính phủ có nhiều hoạt động và sớm ban hành những văn bản chỉ đạo phát triển ngành hoa cây cảnh Việt Nam tương xứng với tiềm năng và hướng tới một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đất nước.

Phê bút của Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải trên Tạp chí Việt Nam Hương Sắc

Ngày 18/3/1998, tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội SVC Việt Nam trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhấn mạnh giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, tâm hồn cao đẹp của ông cha qua hoạt động SVC. Thủ tướng nhắc lại những ấn tượng sâu sắc của ông về nôn sông gấm vóc cảnh đẹp thiên nhiên của đất nước và vùng miền Trung ông vừa tới thăm. Thủ tướng lưu ý Hội SVC góp trí tuệ và công sức tham gia tôn tạo các di tích lịch sử danh lam thắng cảnh của đất nước, mỗi nơi cần có định hướng rõ ràng về trồng loại cây, hoa nào cho phù hợp, những loại cây, hoa nào phải bảo vệ, không được chắt phá, giữ gìn vẻ đẹp thiên nhiên, màu sắc hài hòa. Cũng cần coi trọng cây xanh, cảnh đẹp cho các khu công nghiệp, các đô thị cũ và mới. Đình, miếu, đền, chùa, nhà thờ, trường học, đường làng, ngõ xóm cần có cây xanh, vật cảnh. Coi trọng làng nghề truyền thống đồng thời mở rộng phổ biến kỹ thuật và kinh nghiệm cho nhân dân cả nước. Cần tranh thủ các mối quan hệ sẵn có của Hội với Hiệp hội cây cảnh, đá cảnh quốc tế, các quốc gia trong khu vực để mở rộng khả năng hợp tác quốc tế, học hỏi kỹ thuật tiên tiến của bạn đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu SVC góp phần giới thiệu đất nước vốn được coi là một bồn cảnh thiên nhiên khổng lồ, nguồn nguyên liệu phong phú và nghệ thuật cây cảnh mang bản sắc riêng. Chính từ đó mà phối hợp với ngành du lịch, mở rộng du lịch sinh thái đang được thế giới ưa chuộng...Từ tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẵn sàng ủng hộ hoạt động của Hội SVC, chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp và tạo điều kiện cho Hội thực hiện tốt chức năng của mình theo Điều lệ Hội.

Nội dung chỉ đạo tại cuộc làm việc quan trọng trên cùng phê bút của Thủ tướng Chính Phủ Phan Văn Khải được đăng tải trên  Tạp chí Việt Nam Hương Sắc số 55 tháng 4 năm 1998. Phê bút của Thủ tướng có nội dung: "Tôi vui mừng nhận thấy hoạt động của Hội Sinh Vật cảnh Việt Nam luôn hướng vào mục đích cao đẹp: góp phần gìn giữ và phát huy nền văn hóa truyền thống, vẻ đẹp tâm hồn của các thế hệ cha ông, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội và chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Tôi hoan nghênh sự tham gia hăng hái của các đồng chí cán bộ lào thành của Đảng, các nhà khoa học, mỹ học, kỹ thuật và các nghệ nhân vào hoạt động nhiều mặt của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam. Tôi mong rằng các bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền địa phương các cấp giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam để hoạt động của Hội ngày càng bổ ích thiết thực".

Sau nhiều năm theo sát những hoạt động của Hội SVC Việt Nam và nhận thấy đây là một ngành kinh tế sinh thái giàu tiềm năng, ngày 03/09/1999 trên cương vị Thủ tướng Chính phủ ông đã quyết định phê duyệt đề án phát triển rau, quả và hoa cây cảnh thời kỳ 1999 - 2010. Bản đề án mang nhiều dấu ấn đóng góp cá nhân của ông đã được ông phát biểu chỉ đạo trước đó về hướng phát triển của ngành SVC Việt Nam trong những lần làm việc với lãnh đạo Trung ương Hội SVC Việt Nam trước đó.

Đề án đã đánh giá toàn diện thực trạng và giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành rau, quả và hoa cây cảnh trở thành một ngành sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Với hiện trạng tổng diện tích trồng hoa ở nước ta có khoảng 1600ha, đạt giá trị sản lượng 700 tỷ đồng và chỉ xuất khẩu được 5 triệu USD. Chúng ta vẫn phải nhập khẩu 73 tỷ đồng (tương đương 5,2 triệu USD). Quy hoạch hoa cây cảnh đến khoảng năm 2010 dự tính lên 7.000ha, trong đó Hà Nội 1500ha, Thành phố Hồ Chí Minh 1000ha, Hải Phòng 800ha, Đà Lạt 1200ha. Giá trị xuất khẩu đến năm 2005 là 10 triệu USD và năm 2010 là 60 triệu USD...

Đề án xác định: Phát triển rau, quả và hoa cây cảnh nhằm khai thác lợi thế về điều kiện khí hậu, sinh thái đa dạng (nhiệt đới, á nhiệt đới, ôn đới) của các vùng miền để sản xuất thực phẩm có giá trị dinh dưỡng đa sinh tố cho con người góp phần giải quyết việc làm, phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo cảnh quan môi trường. Phát triển phải gắn với thị trường, có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước, trong khu vực và trên thế giới, trước mắt và lâu dài. Phát triển ở các vùng trong cả nước trong đó quan tâm phát triển ở một số vùng có điều kiện sinh thái đặc biệt như đồng bằng Sông Cửu Long, Lâm Đồng, đồng bằng Sông Hồng, vùng cao miền núi phía Bắc...Vừa phát triển rộng rãi trong dân, vừa phát triển ở các vùng chuyên canh, thâm canh, từng bước hiện đại hóa, sử dụng công nghệ truyền thống và công nghệ sạch để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe và đời sống nhân dân, nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu...

Đề án cũng hướng tới mục tiêu: Nhanh chóng thỏa mãn nhu cầu đời sống nhân dân về rau, quả và hoa cây cảnh (thông thương và cao cấp) trong đó đẩy mạnh sản xuất chế biến nước quả với giá rẻ để từng bước thay thế đồ uống có cồn; Tạo thêm công ăn việc làm cho khoảng 5 triệu người; Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2010 đạt 1 tỷ USD/năm.

Đặc biệt, ngày 09/05/2004, Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tổ chức tại Hà Nội nhân kỷ niệm 15 năm thành lập, Thủ tướng Phan Văn Khải đã biểu dương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam và mong Hội tiếp tục kiện toàn tổ chức trong phạm vi cả nước nhằm giáo dục, động viên và tổ chức phong trào quần chúng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, chăm sóc và giữ gìn môi trường sống trong lành. Toàn văn bài phát biểu quan trọng này đã được Văn phòng Chính phủ thông báo tới các ngành, các cấp trong toàn quốc. Đây là văn bản chỉ đạo với định hướng phát triển SVC thành một ngành kinh tế sinh thái mà đến nay giá trị của nó vẫn còn nguyên tính thời sự...Một văn bản đánh giá toàn diện về thực trạng, tiềm năng phát triển của ngành SVC; Định hướng quy hoạch phát triển SVC thành một ngành kinh tế sinh thái; Chỉ đạo các cấp các ngành có liên quan phối hợp và giúp đỡ Hội SVC Việt Nam xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường...Cũng tại văn bản này, Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ đạo việc tổ chức Festival Hoa Đà Lạt lần đầu tiên vào năm 2005 để quảng bá giới thiệu hình ảnh quốc gia, tôn vinh nghề trồng hoa cây cảnh, phát triển du lịch và đưa hoa cây cảnh thành một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước...

Năm 2016 xuất khẩu dầu thô đạt 2,4 tỷ USD, xuất khẩu rau, quả và hoa đạt 2,45 tỷ USD. Như vậy lần đầu tiên xuất khẩu rau quả, hoa lớn hơn xuất khẩu dầu thô. Các chuyên gia dự báo đến năm 2022, giá trị xuất khẩu của rau, quả và hoa sẽ đạt khoảng 9 -10 tỷ USD/năm, con số này còn cao hơn xuất khẩu dầu thô lúc tốt nhất. Còn theo Tổng cục Thống kê đến cuối năm 2017 đã có khoảng 40 loại rau hoa quả Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ với giá trị đạt hơn 3,514 tỷ USD, tăng 43,02% so với cùng kỳ 2016...

Từ những kết quả xuất khẩu vượt trội của ngành rau, hoa, quả của Việt Nam trong hai năm trở lại đây đã vượt qua cả xuất khẩu dầu thô để trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, những người làm công tác SVC nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung luôn nhớ về dấu ấn lãnh đạo của nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải cách đây gần 20 năm qua về công tác này. Với những người làm công tác SVC Việt Nam thì mãi mãi biết ơn ông đã có những đóng góp quan trọng để đưa một thú chơi nhân văn tao nhã của ông cha thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hơn 4 triệu hội viên và người lao động...Góp phần hiện thực “cuộc cách mạng cảnh quan làm cho Đất nước ta ngày càng tươi đẹp, môi trường sống ngày càng trong lành, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày một cải thiện” do Bác Hồ khởi xướng và phát động qua phong trào Tết Trồng cây cách đây gần 60 năm về trước.

Người viết bài này, rất vinh dự những năm tháng giúp việc đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng và đồng chí Đỗ Phượng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng cùng nhiều vị lãnh đạo ở Trung ương Hội SVC Việt Nam đã có được cơ duyên nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc với nguyên Thủ tướng Chính Phủ Phan Văn Khải. Đã gần 20 năm mà chúng tôi vẫn nhớ như in những ấn tượng về ông qua phong thái giản dị, gần gũi, tận tụy với công việc, cử chỉ nghĩa tình với đồng chí đồng nghiệp; luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của cấp dưới…Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ dù bận trăm công ngàn việc ông luôn dành thời gian thích hợp để trực tiếp lắng nghe những góp ý của các bậc lão thành, các nhà khoa học, các chuyên gia, làm việc với các hiệp hội ngành nghề như Hội SVC Việt Nam…

Nghe tin ông mất lòng bàng hoàng tiếc thương vị Thủ tướng được nhân dân hết lòng mến mộ, người ủng hộ mạnh mẽ cho chủ trương "Phát triển Sinh Vật Cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái". Vĩnh biệt ông với những dòng hoài niệm góp thêm một nén tâm nhang cùng những người yêu thiên nhiên, nghệ thuật SVC, nhân dân và bầu bạn khắp năm châu kính cẩn cầu mong vong linh ông sớm siêu thăng pháp giới nơi Cực lạc vĩnh hằng cùng tiên tổ và các vị lãnh đạo tiền bối.

Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Hoa lan Việt Nam đồng hành với công tác phòng chống COVID19 Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Hoa lan Việt Nam đồng hành với công tác phòng chống COVID19

Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Hoa lan Việt Nam đã đồng hành phối hợp với Diễn đàn Đời sống và Phát triển phối hợp cùng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Công an Hà Nội...

Vương Xuân Nguyên

Bạn đang đọc bài viết "Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải với ngành Sinh vật cảnh" tại chuyên mục Tin tức.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN HOA LAN VIỆT NAM và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Trung tâm phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website https://vietnamhuongsac.vn/ theo Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục