Bonsai cách phân loại theo kích thước

02/10/2020 15:28

Bonsai có nguồn gốc xa xưa từ Trung Quốc rồi đến Nhật Bản và bằng sức cuốn hút của mình đã nhanh chóng lan rộng ra khắp thế giới. Kể từ khi được khai sinh, trải qua bao nhiêu năm hình thành, sáng tạo, phát triển, bonsai đã sớm được coi là một môn nghệ thuật độc đáo.

Nghệ thuật tạo hình bonsai

Các tác phẩm bonsai đều ít nhiều mang một phần dáng dấp, vẻ đẹp truyền thống cổ xưa. Tuy nhiên, chúng vẫn có giá trị về mặt trang trí cho hầu hết mọi không gian, thời gian và chưa bao giờ khiến người đam mê phải thất vọng.

Để có thể trồng những cây bonsai nhỏ bé trong những chiếc chậu cảnh xinh xinh mà vẫn chống chịu được mọi điều kiện thời tiết dù khắc nghiệt nhất, đó là cả một quá trình khiến các nghệ nhân tiêu tốn biết bao thời gian, công sức và tâm huyết. Các nghệ nhân cho rằng, nghệ thuật thực sự trong cây bonsai nằm ở hình dáng mỗi cây mang lại.

Để trồng được một cây bonsai vừa đảm bảo được các chức năng của cây cảnh, vừa giữ được những vẻ đẹp của một tác phẩm nghệ thuật truyền thống, khác biệt với các loại cây thông thường, các nghệ nhân phải đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo và những kỹ thuật chuyên môn cần thiết. Những kỹ thuật cơ bản bao gồm cắt tỉa lá hoặc gai khỏi cây đang phát triển, tỉa bớt cành, rễ của cây, sử dụng các thiết bị phụ trợ và dây điện để định hình cây một cách tỉ mỉ, cẩn thận.

Mỗi kỹ thuật này đều có một tầm quan trọng riêng đối với sự phát triển và hình thành chung của cây bonsai, chúng đòi hỏi các nghệ nhân bonsai phải hết sức cẩn trọng để tránh làm ảnh hưởng đến cây bonsai dù là nhỏ nhất, nếu không sẽ mang lại những ảnh hưởng xấu khó có thể khắc phục. Tuy nhiên, những kỹ thuật trồng bonsai cũng mang đến nhiều đam mê, trải nghiệm mới lạ, thú vị mà ai cũng muốn khám phá.

Kích thước cây bonsai

Một trong những điểm thú vị nhất của cây bonsai là kích thước đa dạng của chúng, nhiều cây có kích thước siêu nhỏ đến khó tin. Nghệ thuật trồng cây bonsai có thể tạo ra một cây vô cùng nhỏ bé nhưng vẫn có hình dáng của một cây phát triển đầy đủ, toàn diện. Điều này khác với việc nhân giống di truyền của các cây giống lùn, kỹ thuật trồng bonsai không yêu cầu lưu trữ mã di truyền của cây. Thay vào đó, nó đòi hỏi các nghệ nhân cần tạo nên những cây với kích thước thu nhỏ bằng các phương pháp cơ học, cắt tỉa, uốn ghép cây dưới bàn tay khéo léo của mình.

Bonsai có rất nhiều kích cỡ khác nhau

Những cây bonsai nhỏ nhất thậm chí còn bé hơn các cây giống con, trong khi đó, một số cây bonsai lớn nhất hiện đang được lưu giữ trong Cung điện Hoàng gia của Nhật Bản rất to lớn và phải cần nhiều người mới di chuyển được. Từ xa xưa, việc phân loại kích thước của cây cảnh được thực hiện bằng việc xác định xem phải mất bao nhiêu tay người để di chuyển cây.

Đến nay, nghệ thuật trồng cây bonsai đã trải qua một quãng thời gian dài, tên và kích thước chính xác của từng phân loại cũng đã thay đổi qua nhiều thế kỷ. Cách phân loại kích thước bonsai dưới đây được coi là phổ biến nhất, tuy nhiên cách phân loại này cũng chỉ là tương đối, ngoài ra, chúng ta có thể gặp những kích thước khác. Ba loại kích thước chính là: Bonsai nhỏ, vừa và lớn. Mỗi cây bonsai lại phù hợp với từng loại kích thước khác nhau. Một số cây có thể không phù hợp hoặc không thích nghi được với các kích thước khác.

CÂY BONSAI CỠ NHỎ

kenshitsubo: Đây là những loại cây bonsai nhỏ nhất, thậm chí còn nhỏ hơn nhiều so với các cây giống con. Tuy nhiên, chúng vẫn xứng đáng được coi là những tác phẩm nghệ thuật. Hiếm khi Kenshitsubo cao hơn 1 đến 3 inch (2,54-7,62 cm), loại này có thể được nâng lên bằng hai ngón tay dễ dàng.

Shito: Đây là kích thước phổ biến của các loại cây bonsai nhỏ nhất. Chúng có kích thước bằng đầu ngón tay, thường phát triển chiều cao từ 2 đến 4 inch (5,08-10,16 cm). Chúng còn có tên khác là cây bonsai Thimble.

Các tác phẩm bonsai đều ít nhiều mang một phần dáng dấp, vẻ đẹp truyền thống cổ xưa. Tuy nhiên, chúng vẫn có giá trị về mặt trang trí cho hầu hết mọi không gian, thời gian và chưa bao giờ khiến người đam mê phải thất vọng.

Shohin: Những cây bonsai này phát triển chiều cao từ 2 đến 6 inch (5,08-15,24 cm). Chúng có thể dễ dàng nằm gọn trong lòng bàn tay. Shohin và Shito bonsai còn được phân biệt với các cây bonsai nhỏ khác bằng một số kỹ thuật riêng biệt được sử dụng để tạo ra chúng.

Mame: Những cây bonsai này có chiều cao từ 4 đến 8 inch (10,16-20,32 cm). Trong số những cây bonsai nhỏ nhất, chúng còn được gọi là cây bonsai một tay bởi vì chỉ cần một tay để di chuyển cây. Thường thì chúng được trồng trong những chậu lớn hơn cây bonsai Shohin.

Komono: Cây bonsai Komono phát triển trung bình từ 6 đến 10 inch (15,24-25,4 cm). Chúng gần như là cây bonsai lớn nhất có thể di chuyển được bằng một tay.

CÂY BONSAI CỠ VỪA

Katade-Mochi: Cây bonsai Katade-Mochi mọc cao từ 10 đến 18 inch (25,4-45,72 cm). Chúng lớn hơn cây bonsai Komono nhưng vẫn có thể được nâng lên bằng một tay. Đây là kích thước khá phổ biến giúp các nghệ nhân thuận tiện hơn trong việc chăm sóc, bởi chúng không quá nhỏ để phải cắt tỉa nhiều cũng không quá lớn để phải thường xuyên xử lý thu gọn kích thước.

Chumono, Chiu: Hai kích thước cây bonsai này gần như giống nhau. Cả hai đều được coi là cây bonsai hai tay ( cần hai tay để bưng, bê), đều cao từ 16 đến 36 inch (40,64-91,44 cm). Hai tên gọi này có thể thay thế cho nhau. Cây trung bình và lớn: Các quốc gia nói tiếng Anh trên thế giới có xu hướng dần từ bỏ tên tiếng Nhật để phân loại kích thước nghe cho thuận tai. Cây cảnh trung bình có chiều cao từ 12 đến 24 inch (30,48- 60,96 cm), trong khi cây cảnh lớn từ 24 đến 36 inch (60,96-91,44 cm).

CÂY BONSAI CỠ LỚN

Omono: Những cây bonsai cỡ lớn này được xếp vào những cây đầu tiên cần đến 4 tay để di chuyển. Chúng phát triển tốt ở rất nhiều nơi khác nhau và có chiều cao từ 30 đến 48 inch (76,2-45,121,92cm). Chúng khá giống với loại “Dai” và hầu như có ít đặc điểm để phân biệt với nhau, trong tiếng Anh chúng đều được gọi là cây bonsai rất lớn.

Dai: Có cùng kích thước và kiểu dáng với cây bonsai Omono. Hiện nay, chỉ một số nghệ nhân được biết đến là các bậc thầy trong nghệ thuận bonsai của Nhật Bản cổ đại mới nắm rõ được sự khác biệt ít ỏi giữa chúng.

Hachi-Uye: Đây là một trong những cây bonsai lớn nhất. Chúng được gọi là cây 6 tay vì phải cần tới 3 người để di chuyển cây trong chậu. Chúng cao từ 40 đến 60 inch (101,6-152,4 cm).

Imperial: Imperial (cây hoàng gia) là cây lớn nhất và hùng vĩ nhất trong tất cả các cây bonsai. Chúng cao từ 60 đến 80 inch (152,4-203,2 cm) và được trưng bày nhiều nhất trong các khu vườn của Hoàng gia Nhật Bản. Chúng cũng được gọi là cây 8 tay do cần 4 người để di chuyển. Có lẽ phân loại duy nhất không thay đổi qua các thời đại là cây Imperial vì nguồn gốc của tên.

Theo định nghĩa, bất kỳ cây bonsai nào thuộc loại lớn nhất trong các khu vườn của Hoàng gia Nhật Bản đều là cây bonsai Imperial. Mặc dù một số chuyên gia chưa hoàn toàn đồng ý với tất cả các phân loại kích thước này. Tuy nhiên, nhiều nghệ nhân cho rằng, cũng không nên quá coi trọng về kích thước chính xác của từng cây bonsai, điều thực sự quan trọng là bằng cái tâm, bằng lòng đam mê nghệ thuật hút hồn này, các nghệ nhân có thể tạo ra những cây bonsai có hình dạng và kiểu dáng độc đáo, quyến rũ nhất./. (Theo Bonsaitreegardener, Wikihow và Pinterest) (Bài đã được đăng trên Tạp chí Việt Nam Hương Sắc số 315 tháng 12 năm 2019)

Thanh Xuyên
Nguồn http://hoisvcvn.org.vn/bonsai-cach-phan-loai-theo-kich-thuoc

Bạn đang đọc bài viết "Bonsai cách phân loại theo kích thước" tại chuyên mục Sinh Vật Cảnh.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN HOA LAN VIỆT NAM và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Trung tâm phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website https://vietnamhuongsac.vn/ theo Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục