Tiếp thêm “ngọn lửa” cách mạng tháng tám

19/08/2020 10:55

Hòa chung khí thế sôi sục của những ngày đầu cách mạng, với vai trò là chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, các văn nghệ sỹ đã tích cực sáng tác nhiều tác phẩm cổ vũ đấu tranh cách mạng. Các bài thơ, ca khúc có giọng điệu hào hùng, mạnh mẽ là nguồn động viên to lớn cho quân và dân trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng 8-1945.

Cách mạng đã làm nên một luồng sinh khí mới trong sáng tác của đội ngũ văn nghệ sỹ đương thời. Trước đó, nhiều thi sỹ, nhạc sỹ theo lối sáng tác lãng mạn, luôn đề cao cái tôi cá nhân chật hẹp với giọng ca ủy mị, sướt mướt, khi được đón nhận luồng gió mới của cách mạng, đã hồ hởi cùng toàn dân tộc cuốn theo cờ đỏ sao vàng và cùng hát lên khúc tráng ca đấu tranh giải phóng dân tộc thật hào sảng, say mê.

Trong không khí đấu tranh cách mạng khẩn trương, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi và Đỗ Nhuận bàn nhau mỗi người viết một bài hát cách mạng để đáp ứng yêu cầu của phong trào. Trong đó, Văn Cao có bài hát “Tiến quân ca”; nhạc sĩ Đỗ Nhuận có bài “Du kích ca” còn Nguyễn Đình Thi với “Diệt phát xít”. Các tác phẩm là những bài ca bất tử đi cùng năm tháng, khơi gợi tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc trong mỗi tâm khảm người dân đất Việt. 


Tiết mục múa hát nghệ thuật về vùng quê cách mạng Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quang).  Ảnh:K.T 

 

Tháng 8-1945, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định tổ chức Quốc dân Đại hội tại Tân Trào. Sáng ngày 16-8, Nguyễn Đình Thi - đại biểu trẻ nhất tại Quốc dân Đại hội đã mang lên trình Bác 3 bài hát: Bài “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi, “Chiến sỹ Việt Minh” và “Tiến quân ca” của Văn Cao, để Bác chọn. Sau khi nghe Nguyễn Đình Thi hát, Bác Hồ quyết định chọn bài “Tiến quân ca” của nhạc sỹ Văn Cao làm Quốc ca, bởi theo Bác, bài hát này vừa thể hiện được ý chí, khát vọng của dân tộc, vừa ngắn gọn, dễ thuộc lời, dễ phổ cập, giai điệu lại hùng tráng... Bài hát là bản hùng ca hay nhất, tựa như một hồi kèn xung trận, đồng hành cùng quần chúng nhân dân nổi dậy cướp chính quyền, góp phần làm nên Cách mạng tháng Tám.

Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám có sự góp mặt của những tác giả lớn với nhiều tác phẩm tạo được dấu ấn mạnh mẽ. Đó là Sóng Hồng, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi,  Huy Cận, Xuân Diệu... Xuyên suốt các tác phẩm thể hiện tinh thần chung là lòng yêu nước, niềm tin sắt son vào Đảng và Bác Hồ; tình cảm gắn bó với người dân miền núi thủy chung, thật thà, nhân hậu. Đặc biệt những ngày đầu cách mạng nhiều thi phẩm thơ ra đời là “ngọn lửa” tạo nên sức mạnh tinh thần vô giá.


Các tác phẩm thơ ca những ngày đầu cách mạng tháng 8-1945 được in và tuyển tập trong các ấn phẩm.

 

Sóng Hồng là bút danh của Tổng Bí thư Trường Chinh (1907 - 1988) - tên thật là Đặng Xuân Khu, nhà cách mạng kiệt xuất mang phong cách nghệ sĩ. Trong những ngày đầu cách mạng, bên cạnh những bài báo, bài chính luận sâu sắc thì Sóng Hồng sáng tác nhiều tác phẩm mang tinh thần cổ vũ, kêu gọi lòng yêu nước. Với giọng thơ đanh thép, mạnh mẽ thể hiển ý chí quyết tâm, sôi sục: “Xiềng xích chặt kỳ hết/Gông cùm đập cho tan!/Tiêu trừ quân cướp nước/Đừng tha lũ Việt gian!” (Bài “Đứng lên”, tháng 1-1945).

Bước sang năm 1945, tình hình trong nước và thế giới chuyển biến mau lẹ, có lợi cho thế và lực cho cách mạng nước ta. Chớp thời cơ thuận lợi có một không hai ấy, Đảng ta và Tổng bộ Mặt trận Việt Minh đã kêu gọi toàn dân vùng dậy giành độc lập, tự do cho dân tộc. Bài thơ “Đứng lên” ngắn gọn với 4 câu thơ nhưng được ví là lời hiệu triệu, kêu gọi thúc giục đấu tranh. Bài thơ thuộc thể 5 chữ, liên tiếp là những động từ mạnh như “chặt”, “đập”, “tiêu trừ”, “đừng tha” thể hiện được sự quyết liệt, sôi sục, quyết tâm. Mỗi câu thơ là một mệnh lệnh, một khẩu hiệu để hun đúc, thúc giục quân và dân sẵn sàng cho cuộc cách mạng lịch sử.
Hòa theo dòng cảm xúc với tác phẩm kêu gọi tinh thần đoàn kết, ý chí đấu tranh, Tố Hữu - người được tôn vinh là “nhà thơ của cách mạng” có nhiều tác phẩm ấn tượng. Từ việc tái hiện bức tranh hiện thực xót xa của đất nước đến lời động viên, gửi gắm niềm hy vọng về tương lai. Và bài ca khải hoàn được cất lên trong thời khắc thành công của Cách mạng Tháng Tám.

Năm 1945 nhân dân ta gánh chịu những đau thương về nạn đói, nạn ngoại xâm. Trước cảnh tượng thực tế ấy Tố Hữu xót xa: “Lúa mùa mất sạch mọi nơi/Giặc còn vơ vét hết nồi đến thăng!/Đói xo khắp xóm khắp làng/Rau dưa chết giá, ngô lang xạc xờ/Buồn trông đồng trắng bãi khô/Lúa chiêm thôi hết ước mơ đầy nồi” (Đói, tháng 4-1945).

Từ nỗi nhục mất nước, sự bần cùng hóa đến tột đỉnh, nhân dân ta đứng lên làm Cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với tâm thế của người trong cuộc, hòa mình vào cuộc chiến đấu, Tố Hữu đã động viên tinh thần cho dân và quân thông qua bài thơ “Xuân đến”. Bài thơ là ước mơ, khát vọng và cũng là lời dự báo có căn cứ của nhà thơ cộng sản: “Hỡi người bạn!Vui lên đi!Ất Dậu/Sẽ là năm khởi nghĩa, năm thành công!”.

Những vần thơ hào hùng thúc giục mà vẫn thủ thỉ tâm tình nên có sức truyền cảm, dễ nhớ, dễ thuộc. Ý chí quyết liệt nhưng đầy cảm xúc, tất cả diễn đạt rất tự nhiên, không hề lên gân, khô cứng. Quả thực, thời đại vùng dậy vũ bão của quần chúng cách mạng đã tạo cảm hứng cho thơ. Tố Hữu đã tạo nên những vần thơ đầy động lực để mỗi người sẵn sàng hy sinh chiến đấu “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”: Trời hôm nay dầu xám ngắt màu đông/Ai cản được mùa xuân xanh tươi sáng/Ai cản được những đoàn chim quyết thắng/Sắp về đây thắm nắng xuân hồng?” (Xuân đến).

Và quả thực, chúng ta không lấy làm lạ, khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công thì niềm vui của dân tộc vỡ òa, chói lóa. Tố Hữu hạnh phúc thốt lên: Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời (Huế tháng Tám - Tố Hữu, tháng 8-1945).

Tuyên Quang vinh dự được Bác Hồ, Trung ương Đảng chọn làm Căn cứ cách mạng, lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Vẫn còn đó có hàng nghìn bài thơ của các tác giả cổ vũ tinh thần yêu nước, kêu gọi tinh thần đấu tranh quật khởi như: “Bài thơ Việt Bắc” của Trần Dần, “Người Tân Trào” của Nông Quốc Chấn, “Quê hương Việt Bắc” của Nguyễn Đình Thi... Cách mạng cũng đã đào luyện một đội ngũ nhà thơ chiến sĩ đầy trách nhiệm, hướng sáng tác vào mục tiêu phục vụ quê hương, nhân dân. Đúng với tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trong thơ nên có thép” và “Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.

Giang Lam
Nguồn Theo Văn Hiến

Bạn đang đọc bài viết "Tiếp thêm “ngọn lửa” cách mạng tháng tám" tại chuyên mục Văn hóa - Thông tin.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN HOA LAN VIỆT NAM và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Trung tâm phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website https://vietnamhuongsac.vn/ theo Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục