Cuối năm 2019, ô tô nguyên chiếc sản xuất tại Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa trên 40% đã lên đường xuất ngoại. Sau 1 thời gian đầu tư lớn, với số vốn hàng tỷ USD, tập trung vào công nghệ hiện đại, cơ hội xuất khẩu ô tô đã mở ra với DN Việt.
Chinh phục Đông Nam Á
Ngày 24/12, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, đã xuất khẩu sang Myanmar 120 xe du lịch Kia Cerato phiên bản Deluxe, được sản xuất tại Nhà máy ở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Xe du lịch Kia Cerato có các linh kiện nội địa hóa gồm: thân xe, ghế ngồi, dây điện, cửa, capô, cốp xe, ống xả, máy lạnh, thiết bị nghe nhìn, định vịvà các chi tiết nhựa… với tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 40%, được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 0% tại Myanmar.
Từ năm 2017 đến nay, Trường Hải đã đầu tư 30.470 tỷ đồng xây dựng 8 nhà máy lắp ráp, 19 nhà máy sản xuất linh kiện ô tô, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển. Từ đó, sẽ sản xuất các sản phẩm ô tô con, ô tô tải, ô tô khách, có tỷ lệ nội địa hóa đạt 40% trở lên, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.Tiếp đến, ngày 28/12, một lô 15 chiếc xe bus mang thương hiệu Thaco Bus đã được Trường Hải xuất khẩu sang Philippines. Mẫu xe bus này được thiết kế mới hoàn toàn, đã chạy thử nghiệm tại Philippines hơn 7 tháng, đạt tỷ lệ nội địa hoá trên 45%, gồm thân vỏ, khung xe, linh kiện cơ khí, hệ thống chiếu sáng, ghế, dây điện, kính... Xe sử dụng động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5.
Theo kế hoạch, năm 2020 Trường Hải sẽ xuất khẩu 1.026 ô tô các loại, gồm xe du lịch Kia Cerato sang Myanmar và xe du lịch Kia Sedona sang Thái Lan và Myanmar. Dự kiến lượng xe bus xuất khẩu sang thị trường Philippines sẽ tăng lên 200 xe.
Bên cạnh đó, TC Motor cũng đang xây dựng khu sản xuất và lắp ráp xe khách, xe bus, trung tâm nghiên cứu và phát triển, khu công nghiệp hỗ trợ, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước vừa hướng tới xuất khẩu sang khu vực ASEAN. Thị trường chính mà Hyundai Thành công dự kiến xuất khẩu sẽ là Philippines. Các mẫu xe Hyundai cỡ nhỏ sẽ được xuất khẩu trước tiên.Công ty TC Motor đã quyết định đầu tư 1 nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô mới tại Gia Viễn (Ninh Bình) công suất 120.000 xe/năm, với sự hợp tác của Hyundai Motor ( Hàn Quốc). Dự án dự kiến sẽ hoàn thành năm 2020, đảm bảo 90% ô tô Hyundai tiêu thụ tại Việt Nam được sản xuất, lắp ráp tại đây. Hầu hết các công đoạn đều sử dụng robot tự động, giúp chất lượng xe xuất xưởng đồng đều, chính xác, đảm bảo theo tiêu chuẩn của Hyundai Motor.
Vingroup giữa năm 2019 đã hoàn thành giai đoạn 1 tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại Cát Hải, Hải Phòng, với công suất 250.000 xe/năm, tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD, ngoài đáp ứng nhu cầu trong nước cũng hướng tới xuất khẩu ô tô sang khu vực ASEAN và thế giới. Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Vingroup, cho biết, mục tiêu tập đoàn hướng đến là từng bước đạt được tỷ lệ nội địa hóa 60%, làm chủ công nghệ, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực.
Các DN cho biết, thị trường ô tô Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, vì vậy sẽ có điều kiện để phát triển công nghiệp hỗ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Với quốc gia 100 triệu dân, kinh tế phát triển, đời sống ngày càng nâng cao thì nhu cầu về ô tô ngày càng nhiều, đủ để các DN đầu tư sản xuất với quy mô lớn.Khát vọng lớn
Bên cạnh đó, ưu đãi thuế quan 0% với ô tô trong khu vực ASEAN là cơ hội lớn. Vì vậy, bắt buộc phải đầu tư, để đạt được tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên và hướng tới xuất khẩu. “Không DN nào đầu tư vào sản xuất ô tô lại chỉ tập trung vào mỗi thị trường nội địa. Phải hướng tới xuất khẩu để mở rộng ra thị trường bên ngoài, tăng sản lượng, tối đa hóa chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh, từ đó tạo điều kiện đẩy mạnh nội địa hóa”, ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc TC Motor nói.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Trường Hải cho hay, cùng với các đối tác, Trường Hải phấn đấu để khu công nghiệp Chu Lai sẽ là trung tâm sản xuất ô tô lớn, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Còn Vingroup đặt kỳ vọng sẽ đưa tổ hợp sản xuất ô tô VinFast dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.Theo ông Đức, mục tiêu của Hyundai Motor khi hợp tác với tập đoàn Thành Công là biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất ô tô Hyundai lớn tại Đông Nam Á.
Quy luật phát triển ngành công nghiệp ô tô trên thế giới, từ trước đến nay, là bảo vệ thị trường một cách hợp lý, để được chuyển giao công nghệ: từ lắp ráp, qua đó phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện phụ tùng, gia tăng tỷ lệ nội địa hoá cho sản phẩm ô tô. Nếu được đảm bảo tính công bằng về thuế, cùng các chính sách ưu đãi hợp lý, chắc chắn ngành công nghiệp ô tô sẽ phát triển, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ xuất khẩu ngày càng nhiều, ông Dương khẳng định.
Đây là tin vui đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Không chỉ sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước, ô tô đã bắt đầu được xuất khẩu. Mở thị trường xuất khẩu sẽ giúp sản lượng của các DN tăng lên. Qua đó sẽ phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Sự phát triển ngành công nghiệp ô tô với tỷ lệ nội địa hoá cao, sẽ mang lại những giá trị lớn cho nền kinh tế, như tạo việc làm, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, chuyên môn kỹ thuật, kéo theo phát triển các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là cơ khí, điện tử, hóa chất… và giảm nhập siêu.