Ngày (7/6), một cuộc chuyển nhượng siêu cây với giá 7,5 tỷ đồng làm “rung chuyển” làng cây giữa ông Chu Mạnh Hùng(còn gọi là Hùng xiếc, ở Sơn Tây) và anh Nguyễn Văn Chí (Thường Tín). Đây là một trong những thương vụ chuyển nhượng siêu cây tiền tỷ thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới yêu cây cảnh nghệ thuật Thủ đô và cả nước
Tác phẩm sanh cổ “Thụ lâm bồng thạch” được biết đến là một trong 10 tuyệt phẩm cây cảnh nghệ thuật độc đáo nhất tại Triển lãm Sinh vật cảnh cảnh chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội vào năm 2010.
Chủ sở hữu mới của tuyệt phẩm Cây cảnh nghệ thuật này, Nghệ nhân Nguyễn Văn Chí không giấu được niềm xúc động: “Tôi biết và theo đuổi tác phẩm độc đáo này từ năm 2009, hôm nay mới được chính thức sở hữu nó từ Nghệ nhân Hùng xiếc. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tôi sẽ tiếp tục chăm sóc, hoàn thiện và mang những tuyệt phẩm này tham dự các cuộc trưng bày lớn của Thủ đô và cả nước để lan tỏa những nét đẹp cuộc sống”.
Nghệ nhân Hùng xiếc cũng tâm sự trong buổi chuyển giao cây: “Bán đi tác phẩm gắn bó với mình nhiều năm, coi như con mình, hôm nay tôi thấy buồn vui lẫn lộn nhưng cũng rất tự hào khi tác phẩm được về với một người rất yêu cây".
Được biết, trước và sau khi diễn ra thương vụ này, nhiều đại gia đã quan tâm trả giá với con số không hề nhỏ nhưng Nghệ nhân Hùng xiếc chưa đồng ý bán vì nhiều lý do.
Có mặt tại buổi chuyển giao cây, ông Vương Xuân Nguyên - Chánh Văn phòng Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội - phân tích giá trị của cây cảnh nghệ thuật cần phải nhìn nhận dưới cả góc độ vật thể và phi vật thể. Với những người am hiểu chuyên sâu và khát khao sở hữu nó thì giá trị của nó sẽ vô cùng, còn với người ít quan tâm và không có cả nhu cầu lẫn điều kiện sở hữu thì giá trị của nó trong nhiều trường hợp sẽ cảm thấy rất mơ hồ, chứ chưa nói đến việc đắt hay rẻ.
Còn ông Phan Văn Toàn - Toàn “đô la” (TP. Việt Trì), người sở hữu vườn cây di sản duy nhất ở Việt Nam, cho biết: “Tôi đã trả 7 tỷ đồng cho tác phẩm “Thụ lâm bồng thạch” của anh Hùng nhưng anh ấy không bán, tôi muốn sở hữu tác phẩm này để trong vườn nhà mình cho bộ sưu tập cây thêm phong phú, đa dạng”.
Anh Toàn cũng chia sẻ thêm, những cây thương hiệu chỉ đếm trên đầu ngón tay, sở hữu được nó thể hiện bản lĩnh và đẳng cấp của người đàn ông mà không phải ai cũng giám làm vì hiện có rất nhiều đại gia bỏ cả chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ đồng mua cây nhưng trong vườn không có cây thương hiệu.
Theo đó, cây sanh cổ có tuổi đời khoảng 150 năm, bề rộng của thân cây khoảng nửa mét, cao gần 2m, tán rộng 2m. Cây có nguồn gốc từ Sơn Tây.
Trước đó, vào tháng 2/2020, anh Nguyễn Văn Chí cũng bỏ ra 16 tỷ đồng để mua cây sanh cổ có tên “Tiên lão giáng trần” làm “chấn động” giới chơi cây cảnh. Trong cuộc giao dịch, người bán là anh Dương Văn Mười (Thường Tín) đã bật khóc, còn anh Chí vui sướng vì đã sở hữu được “báu vật”.
Chủ nhân tác phẩm “Tiên lão giáng trần” tâm sự sau khi mua được cây sanh quý này, hàng ngày có rất nhiều người yêu cây cảnh khắp đất nước đến nhà vườn để chiêm ngưỡng. Một số đại gia chơi cây có ngỏ ý muốn mua lại với giá cao hơn nhưng tôi không bán.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Toàn, một đại gia chơi cây cảnh “khét tiếng” ở Việt Nam, xác nhận: “ Tôi ngỏ ý mua lại với giá 19 tỷ đồng nhưng anh Chí không bán, thời gian tới có lẽ tôi phải trả khoảng 1 triệu USD xem anh ấy có bán không”.
Theo đó, tác phẩm “Tiên lão giáng trần” cao khoảng gần 2m, đặt trong chậu dài 1,5m. Thân cây chủ được ông Mười mua của một người dân sinh sống ở vùng Phát Diệm – Ninh Bình, có tuổi đời khoảng 300 năm. Giá trị nhất của "Tiên lão giáng trần" nằm ở phần thân kỳ quái của cây. Những khối, cục mốc trắng càng làm tăng thêm độ đẹp của cây mà không có công nghệ nào có thể làm ra được, chỉ có cây tuổi đời lâu năm mới có.